Đặc điểm: Cây súp lơ xanh có mặt ở Việt Nam đã lâu, song chỉ vài năm gần đây nó mới thực sự được nhiều người biết đến. Súp lơ xanh ăn ngon, ngọt, vừa mềm lại vừa giòn hơn súp lơ trắng. Trồng súp lơ xanh dễ hơn súp lơ trắng. Cây súp lơ xanh chịu nhiệt và ẩm tốt hơn và có khả năng trồng dày vì tán lá đứng và kích thước hoa vừa phải.
Kỹ thuật gieo trồng hạt giống rau súp lơ xanh:
Thời vụ Súp lơ là loại cây chịu được lạnh, nhiệt độ thích hợp 15 – 180C.
– Vụ sớm: gieo tháng 7 – đầu tháng 8, trồng tháng 8 – 9. Vụ này nên sử dụng các giống chịu nhiệt, chín sớm.
– Vụ chính: gieo tháng 9 – 10, trồng tháng 10 – 11.
– Vụ muộn: gieo tháng 11, trồng vào tháng 12. Vụ này không dùng giống chín sớm, nên sử dụng các giống chịu rét, chín muộn.
Tuổi cây giống súp lơ đem trồng tốt nhất có 4 – 5 lá thật. Trồng cây giống quá tuổi sẽ cho ngù hoa nhỏ, năng suất thấp.
Súp lơ xanh ưa đất thịt nhẹ, thoát nước tốt. Làm đất vườn ươm thật kỹ, lên luống cao 20cm, rộng 0,8 – 1m, rạch hàng sâu 1 – 2cm, hàng cách hàng 10cm, gieo đều tay không thưa quá, không dày quá, mật độ gieo hạt giống súp lơ xanh là 0,2 – 0,3g hạt/m2.
Sau khi gieo hạt, phủ lớp đất bột mỏng lên trên, tưới ướt đất, sau đó giữ ẩm liên tục trong 5 – 7 ngày đầu sau gieo (ngày tưới 2 lần); che nắng che mưa cho vườn ươm. Sau 25 ngày trồng ở vườn ươm, cây có thể đánh mang trồng ngoài ruộng sản xuất.
Làm đất, bón lót cho cây
– Làm đất kỹ, luống cao 20cm, rộng 1m, để rãnh giữa hai luống khoảng 30cm.
– Lượng phân bón lót cho 1 sào Bắc Bộ (360m2): phân chuồng hoai 1000 – 1200kg, đạm urê 1,5 – 2kg, lân 1kg, kali 2kg. Tất cả các loại phân trên được trộn đều rồi bón lót theo hốc trồng, mỗi hốc 0,8 – 1kg hỗn hợp phân đã trộn.
– Bón lót xong lấp nhẹ đất trước khi trồng.
Cách trồng và chăm sóc
Sau khi đánh cây con từ vườn ươm, tiến hành trồng ngay ở vườn sản xuất. Trồng theo hốc, mật độ trồng 50x50cm (1000 – 1100 cây/sào). Trồng xong nén đất chặt tay, tưới đẫm nước cho cây.
Trong vòng 5 – 7 ngày sau trồng, ngày tưới 2 lần vào sáng sớm và chiều mát, sau đó giảm dần số lần tưới, giữ đất ẩm 65 – 70% (2 ngày tưới 1 lần).
Khi các lá nõn cụp lại thì chú ý không tưới vào ngọn mà tưới trực tiếp vào gốc cây tránh làm hỏng hoa. Sau 15 ngày trồng làm cỏ vun gốc lần 1 (làm cỏ vun gốc lần 2 vào 15 ngày tiếp theo).
Bón thúc: Có thể dùng nước giải loãng hay phân urê pha loãng để tưới. Lượng phân bón thúc 3kg urê/sào chia 3 lần: lần 1 sau trồng 15 ngày, lần thứ 2 sau lần 1 khoảng 10 – 12 ngày, lần cuối 45 – 50 ngày sau trồng, khi cây bắt đầu ra hoa. Khác với súp lơ trắng, súp lơ xanh ra hoa không cần phải che đậy cho hoa.
Trong quá trình trồng và chăm sóc, cần theo dõi sâu bệnh hại để tiến hành diệt trừ kịp thời.
Thu hoạch súp lơ
– Cần thu hoạch đúng lúc thì năng suất và chất lượng hoa mới cao. Nếu thu sớm quá, năng suất giảm, song nếu để muộn, súp lơ xanh sẽ có hiện tượng rão hoa, hoa xuất hiện lấm tấm vàng thì giá trị thương phẩm giảm nghiêm trọng.
– Sau khi trồng 75 – 80 ngày thu hoạch là vừa. Tuy nhiên, trong quá trình trồng và chăm sóc, nếu thời tiết rét nhiều, thời gian thu hoạch có thể kéo dài; ngược lại, nếu trời ít rét, nên thu hoạch sớm vài ngày, khi mặt hoa đang còn màu xanh tươi và thẫm.
– Khi thu hoạch dùng dao sắc chặt sát gốc, tỉa bỏ 4 – 5 lá dưới cùng, xếp chụm hoa vào nhau để dễ vận chuyển.
– Năng suất súp lơ xanh đạt 5 – 7 tạ/sào.
Chú ý: Sau khi trồng được 45 ngày (giống sớm) đến 60 – 70 ngày (giống chính vụ và muộn) thấy có ngù hoa ở trong lá nõn thì phải che đậy ngay. Việc che đậy này phải làm cho tới khu thu hoạch hoa lơ. Lúc đầu hoa lơ còn bé, có thể bẻ gập 1 – 2 lá trong lại để đậy (chú ý không bẻ rời hẳn mà chỉ bẻ gẫy chân chính của lá); khi hoa đã lớn thì ngắt bỏ các lá ngoài (lấy khoảng 1/3 phiến lá phần đầu lá) để đậy cho hoa, cứ thấy lá đậy hoa hơi héo là phải thay đổi lá đậy khác ngay để nước khỏi dột vào ngù làm thối rữa hoa.